Người mắc bệnh lý bạch hầu do hệ miễn dịch suy yếu và có sức khỏe kém. Để đẩy nhanh thời gian phục hồi sức khỏe và mau hết bệnh, dinh dưỡng đóng vai trò thúc đẩy sức đề kháng vững bền hơn chống lại vi rút. Vì thế, người bệnh cần chế độ ăn, bổ sung dưỡng chất phù hợp là rất quan trọng.
- Bệnh lý của bệnh bạch hầu:
Bạch hầu thanh quản là tình trạng viêm cấp tính đường hô hấp trên và dưới
Bạch hầu thanh quản là một loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae sản sinh ngoại độc tố gây ra. Bệnh thường có đặc điểm là vi khuẩn phát triển tại chỗ ở hầu họng, làm loét niêm mạc và gây ra sự hình thành màng giả gây viêm, độc tố này được hấp thụ vào hệ tuần hoàn và gây tổn thương các cơ quan xa. Bệnh cấp tính ở đường hô hấp trên thường liên quan đến một hoặc nhiều vùng sau: vùng amidan, thanh quản, vòm miệng mềm.
Bệnh có thể biến chứng thành viêm phổi, suy tim, dẫn đến tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Bệnh bạch hầu thanh quản thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua hắt hơi hoặc ho.
- Đối tượng thường mắc bệnh bạch hầu thanh quản:
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ thì sẽ dễ bị mắc bệnh.
Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại, vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.
- Chăm sóc bệnh nhân bạch hầu thanh quản như thế nào?
Người bệnh bạch hầu thanh quản cần được nghỉ ngơi tuyệt đối và cách ly từ 2 đến 3 tuần. Trong thời gian đó, việc tuân thủ các phương pháp chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân rất quan trọng.
Vệ sinh cá nhân: răng miệng sạch sẽ thường xuyên giúp loại bỏ các vi khuẩn trong khoang miệng.
Chăm sóc sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể duy trì các hoạt động sống và phục hồi tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch, tăng hiệu quả điều trị.
- Dưỡng chất cần thiết cho người bệnh bạch hầu thanh quản.
Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và sửa chữa các tế bào bị tổn thương, tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Hệ miễn dịch cần protein để sản xuất các kháng thể giúp chống lại nhiễm trùng. Bệnh nhân bạch hầu cần một hệ miễn dịch khỏe mạnh để chống lại vi khuẩn gây bệnh và các biến chứng khác.
Protein cung cấp các acid amin thiết yếu, là nguyên liệu để cơ thể sản xuất các enzyme và hormone cần thiết cho quá trình trao đổi chất và phục hồi sức khỏe.
Các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12), vitamin C, vitamin A là những dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình lành vết thương và phục hồi các tế bào niêm mạc. Vitamin E cũng là chất dinh dưỡng cần thiết đối với hệ miễn dịch, nhất là với chức năng của tế bào lympho T. Các vitamin còn có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do gây ra.
Kẽm: là một khoáng chất vi lượng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, đặc biệt đối với những người đang điều trị bệnh, bao gồm cả bệnh nhân bạch hầu thanh quản. Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng hiệu quả hơn. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân bạch hầu, khi hệ miễn dịch đang phải chống lại vi khuẩn gây bệnh.
- Lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân bạch hầu thanh quản:
Khi cung cấp chế độ ăn cho bệnh bạch hầu, điều đầu tiên là cần chế biến thức ăn mềm và dễ tiêu hóa.
Nấu ăn cho bệnh nhân bạch hầu thanh quản cần chế biến ở dạng mềm, dễ nhai nuốt, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, bột, sữa…
Bệnh nhân nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn ít bữa lớn để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
Người bệnh cần uống đủ nước giúp làm ẩm cổ họng, giảm khó nuốt. Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nên cho bệnh nhân uống mỗi ngày từ 1,5- 2 lít nước bao gồm cả nước lọc, nước trái cây tự nhiên, nước ép rau quả, cháo, súp, sữa hoặc những thực phẩm chứa nhiều nước… sẽ giúp quá trình chuyển hóa trong cơ thể dễ dàng hơn.
- Thực phẩm người bệnh nên hạn chế:
Người bệnh bạch hầu thanh quản nên hạn chế những đồ ăn có thể gây tổn thương niêm mạc họng, làm tình trạng bệnh nặng thêm.
- Thực phẩm cứng, dai: Thịt quá cứng, rau sống, trái cây có hạt…
- Thực phẩm cay: Ớt, tiêu, tỏi…
- Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh: Có thể gây kích ứng niêm mạc họng.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Đồ chiên rán, thức ăn nhanh…
- Đồ uống có gas, rượu bia: Gây kích ứng niêm mạc họng.