Tình trạng đáng cảnh báo
Liên tục trong những ngày gần đây xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu và điều trị. Đáng kể nhất là vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai khiến 500 người nhập viện, ảnh hưởng tới sức khỏe. Việc bảo quản thực phẩm không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tăng sinh làm giảm chất lượng thực phẩm hoặc tạo ra chất độc cho cơ thể người. Bảo vệ sức khỏe, phòng tránh nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là biết cách bảo quản thực phẩm đúng cách.
Vì sao cần phải bảo quản thực phẩm đúng cách
Bảo quản thực phẩm tránh bị ôi thiu
Nếu bảo quản thực phẩm không đúng cách, không bảo đảm an toàn thì thực phẩm rất dễ bị nhiễm vi sinh vật. Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: Tả (V. Cholerae), thương hàn (Salmonella), lỵ (Shigella), E.Coli … Khi con người ăn phải một số lượng đáng kể những vi khuẩn này sẽ bị ngộ độc bởi độc tố của chúng.
Bảo quản thực phẩm đúng cách như thế nào
Rửa tay sạch trước khi sơ chế,chế biến thực phẩm:
Thực tế cho thấy tay bẩn là một trong những cách phổ biến nhất khiến thực phẩm bị ô nhiễm. Cho nên, ngoài việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm thì cần phải chắc chắn rửa tay sạch trước khi sờ hoặc chạm vào thực phẩm. Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch giúp thực phẩm an toàn hơn.
Trong quá trình chế biến, hãy nhớ rửa tay sạch sau khi bạn chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm đã được làm chín, để tránh nhiễm khuẩn chéo.
Vệ sinh dụng cụ nấu ăn giữa các lần sử dụng
Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn, bát đĩa giữa các lần sử dụng giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn chéo.
Nên sử dụng hai loại thớt riêng biệt cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Hơn nữa, nên hạn chế sử dụng thớt gỗ vì đối với những loại thớt này ngay cả khi được làm sạch hoàn toàn thì chúng vẫn là môi trường tốt cho vi sinh vật trú ngụ và phát triển.
Giữ thực phẩm trong tủ lạnh
Các loại thịt, cá tươi sống nếu sử dụng trong ngày thì để ngăn mát, còn nếu để qua ngày hôm sau thì cho vào ngăn đá.
Nếu có thịt sống và thịt gia cầm thì cần tách biệt chúng với các loại thực phẩm khác bằng cách cho vào túi nhựa hoặc hộp nhựa kín và cũng giữ lạnh để chúng không bị hư hỏng trước khi chế biến.
Một số loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh: khoai tây, cà phê, hành tỏi, bánh mì, chuối,… Không nên trữ thực phẩm quá 7 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá. Các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày.
Đun lại thức ăn trước khi cất vào tủ lạnh: Hãy đun sôi diệt khuẩn, để nguội mới cất vào tủ lạnh. Khi ăn nên hâm nóng ở nhiệt độ 70-100 độ C. Nên bảo quản thực phẩm, đồ ăn thức uống ở điều kiện che đậy, nhiệt độ dưới 4 độ C.